Chị em chúng ta rất dễ bị “cảm nắng” những món đồ, sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Từ mỹ phẩm, đồ gia dụng đến các món ăn vặt… đều được thiết kế bắt mắt, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm “đỉnh chóp” khiến ai cũng phải “rút ví” mua ngay. Tuy nhiên, sau khi sở hữu những món này, không ít người đã phải thất vọng vì không được như mong đợi, điển hình là 8 món “hot trend” dưới đây.
1. Hộp lăn trữ trứng
Hộp lăn trữ trứng từng được quảng cáo là “vị cứu tinh” cho nhà bếp, giúp tiết kiệm không gian, lại dễ lấy trứng nhờ cơ chế tự động lăn và còn hạn chế tình trạng lòng đỏ, lòng trắng bị lắng đọng. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, sản phẩm này lại gây ra không ít rắc rối.
– Hạn chế về sức chứa: Dù thiết kế giúp tiết kiệm không gian nhưng hộp lại không thể chứa được nhiều trứng. Với gia đình đông người, thường mua vài chục trứng thì chiếc hộp này không đủ dùng.
– Thiết kế bất tiện: Kích thước trứng không đồng đều khiến trứng to dễ bị kẹt khi lăn, còn trứng nhỏ thì lăn mạnh xuống dưới và dễ bị vỡ. Khi đó, việc dọn dẹp hộp còn tốn công hơn rất nhiều so với dùng hộp trữ thông thường.
Tóm lại, chiếc hộp lăn này không hề “thần kỳ” như lời quảng cáo mà ngược lại còn mang đến nhiều phiền phức hơn cho người dùng.
2. Kệ giày phân tầng
Kệ giày phân tầng khá nhỏ gọn, để được gấp đôi lượng giày nhờ thiết kế phân tầng. Song, thực tế sử dụng lại không hề “thần kỳ” như lời đồn.
– Kén kích thước giày: Kệ giày này chỉ phù hợp với những đôi giày nhỏ gọn như giày bệt, giày da nữ. Nếu bạn muốn để giày thể thao cổ cao, giày nam to bản hoặc giày có bề mặt rộng như Crocs thì gần như không thể đặt vừa.
– Ứng dụng hạn chế: Đối với một gia đình có nhiều loại giày dép đa dạng, sản phẩm này hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu lưu trữ.
Tóm lại là kệ giày phân tầng chỉ phù hợp cho một số trường hợp nhất định, không phải lựa chọn lý tưởng cho hầu hết các gia đình.
3. Máy khử trùng dao kéo
Khi mới ra mắt, máy khử trùng dao kéo thu hút đông đảo người tiêu dùng khi tích hợp cả hai chức năng: Khử trùng và lưu trữ. Từ đó vừa giúp tiết kiệm không gian, vừa thay thế cho tủ khử trùng đắt tiền. Nhưng thực tế sử dụng lại khiến nhiều người thất vọng.
– Hiệu quả khử trùng kém: Máy sử dụng đèn tia UV nhỏ để khử trùng nhưng công suất quá yếu nên khả năng diệt khuẩn không đáng kể. Việc quảng cáo là “khử trùng toàn diện” thực chất chỉ là thổi phồng.
– Tích nước và dễ gây ẩm mốc: Dao kéo, đũa thường được đặt vào máy ngay sau khi rửa, dẫn đến nước tích tụ ở đáy máy. Sau một thời gian, nước đọng này tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
– Vệ sinh phức tạp: Dù phần khay đáy có thể tháo ra để làm sạch nhưng bên trong thân máy không tháo được, khiến bụi bẩn và nấm mốc tích tụ lâu ngày, rất mất vệ sinh.
Thực tế, bạn chỉ cần rửa sạch dao kéo, đũa và để ở nơi khô thoáng là đủ đảm bảo an toàn. Chiếc máy này không những không cần thiết mà còn khiến dụng cụ ăn uống bẩn hơn.
4. Giá sấy khăn điện
Giá sấy khăn điện từng được giới thiệu như món đồ “phải có” trong phòng tắm. Chức năng của món đồ này rất đa dạng: Sấy khô khăn tắm, đồ lót, quần áo nhỏ; Làm ấm khăn và quần áo trong mùa đông, mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng; Dùng như giá treo khăn thông thường khi không cần sấy.
Tuy nhiên, khi mua về sử dụng, không ít người nhận ra những nhược điểm lớn của sản phẩm này:
– Tốn điện: Để đạt hiệu quả sấy và giữ khăn khô, máy phải duy trì trạng thái bật liên tục, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đáng kể.
– Khăn sấy khô nhưng cứng: Dù sấy khô nhanh nhưng khăn tắm và quần áo sau khi sấy thường bị khô cứng, mất đi độ mềm mại.
– Sức chứa hạn chế: Dù có thiết kế nhiều thanh ngang nhưng không thể treo nhiều khăn cùng lúc. Nếu muốn treo thêm, bạn phải gấp hoặc chồng khăn, vừa chiếm không gian vừa giảm hiệu quả sấy.
Nhìn chung, với mức giá cao và hiệu quả không như mong đợi, nhiều người sau khi mua về chỉ sử dụng vài lần rồi để đó.
5. Hộp đựng gia vị tích hợp muỗng
Hộp gia vị tích hợp muỗng và nắp từng gây sốt nhờ thiết kế hiện đại, tiện lợi, giúp lấy gia vị chỉ với một tay. Tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế, món đồ này lại khiến nhiều người phải lắc đầu:
– Đổ đầy thì khó dùng, đổ vơi thì bất tiện: Nếu đổ gia vị quá đầy, muỗng khó thể cắm vào, thậm chí phải nhấn mạnh để đặt vào đúng chỗ. Nhưng khi gia vị còn ít, muỗng lại không thể chạm tới đáy, khó lấy gia vị.
– Dễ làm gia vị bị ẩm: Vì muỗng và nắp gắn liền, sau mỗi lần sử dụng, bạn phải đảm bảo đậy kín nắp. Nếu không, hơi ẩm sẽ lọt vào, làm gia vị vón cục hoặc giảm chất lượng.
Tóm lại, sản phẩm này chỉ đẹp để trưng bày hơn là sử dụng thực tế. Nếu bạn thường xuyên nấu ăn, có lẽ những hộp gia vị truyền thống hoặc bao bì gốc vẫn là lựa chọn hợp lý hơn.
6. Nắp ấn dầu hào
Nắp ấn dầu hào xuất hiện nhằm đáp ứng kỳ vọng giúp cho việc lấy dầu hào mà không cần dốc ngược hay vẩy mạnh chai. Nhưng khi sử dụng thực tế, sản phẩm này lại gây nhiều phiền toái:
– Khó kiểm soát lượng dầu: Một lần ấn dễ lấy quá nhiều, còn ấn nhẹ lại không đủ. Điều này gây bất tiện khi cần định lượng chính xác cho món ăn.
– Dễ bị nấm mốc: Ống hút bên trong không được thiết kế kín nên nếu không vệ sinh thường xuyên, rất dễ bị mốc. Phần miệng ấn cũng dễ bám dầu và lên mốc vì không khớp hoàn toàn với chai.
– Mất vệ sinh: Dầu hào sau khi mở nắp cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nắp ấn không kín hoàn toàn, dễ khiến dầu hào nhiễm mùi hoặc vi khuẩn từ thực phẩm khác.
Thực tế, cách dùng chai dầu hào truyền thống với nắp đậy kín, đặt ngược trong tủ lạnh vẫn hiệu quả và vệ sinh hơn nhiều. Còn món đồ này chỉ đẹp về mặt ý tưởng nhưng lại thiếu tính ứng dụng thực tế.
7. Thảm chống trượt Diatomite
Thảm chống trượt Diatomite từng gây sốt vì được quảng cáo với khả năng hút nước nhanh, chống trơn trượt và thiết kế đẹp mắt, đa dạng. Đặc biệt, sản phẩm này được giới thiệu là lựa chọn lý tưởng đặt cạnh phòng tắm để hút nước từ chân hoặc giày. Nhưng thực tế sử dụng lại khác xa quảng cáo:
– Dễ bẩn, khó vệ sinh: Khi thảm tiếp xúc với nước, vết bẩn hiện rõ và khó làm sạch. Nếu không được cọ rửa thường xuyên, chỉ sau vài ngày, thảm dễ bị mốc, bốc mùi khó chịu.
– Công sức vệ sinh lớn: Việc làm sạch thảm đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, bởi chỉ lau sơ sẽ không đủ để loại bỏ mốc hoặc mùi. Thậm chí, nhiều người phải sử dụng bàn chải và dung dịch tẩy rửa chuyên dụng.
– Chi phí cao, hiệu quả thấp: Nếu coi đây là sản phẩm dùng một lần để tránh phải vệ sinh, thì chi phí lại quá đắt đỏ. Trong khi đó, các loại thảm microfiber thông thường rẻ hơn, dễ giặt và không kém phần hiệu quả.
Nếu cần một sản phẩm tiện lợi, dễ dùng, thì đây không phải lựa chọn lý tưởng.
8. Dụng cụ ép kem đánh răng
Dụng cụ ép kem đánh răng từng được quảng cáo là “vật dụng dành riêng cho hội lười”, giúp lấy kem mà không cần tốn sức. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, sản phẩm này lại gây nhiều phiền toái hơn mong đợi:
– Lượng kem không đều, dễ lãng phí: Kem đánh răng chảy ra phụ thuộc vào thời điểm đặt bàn chải, quá sớm hoặc quá muộn đều làm kem bị rớt ra ngoài, gây lãng phí và bừa bộn.
– Vệ sinh phức tạp: Sau một thời gian sử dụng, dụng cụ này bị kem đánh răng bám bẩn, cần tháo ra vệ sinh. Thế nhưng, việc làm sạch rất mất thời gian và công sức, đặc biệt với những khe nhỏ bên trong.
– Không tiện hơn việc tự bóp tay: Với thời gian và công sức để làm sạch dụng cụ, người dùng thường cảm thấy việc tự bóp kem đánh răng bằng tay nhanh gọn và dễ dàng hơn hẳn.
Tóm lại, dụng cụ ép kem đánh răng nghe thì tiện ích nhưng lại không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian và công sức, tốt nhất vẫn nên dùng cách truyền thống.
Nguồn: Toutiao
Deals của CandyCare
Deals của Brands
Các sản phẩm HOT khác